Welcome To Blogger

Đạo giáo ở Việt Nam




Rải rác trên nhiều miền đất nước cho đến ngày nay vẫn còn những quán Đạo giáo. ở đó các chữ đề trên biển, trên bia, trên chuông… đều ghi rõ là Quán, song nhân dân phần lớn lại gọi là Chùa, điều đó chứng tỏ Đạo giáo và Phật giáo có sự thâm nhập - thậm chí hòa trộn nhau theo xu hướng Đạo giáo tan vào Phật giáo. Biểu hiện cụ thể là rất nhiều chùa, trên Phật điện có cả một số vị thần của Đạo giáo – chí ít là bộ tượng Ngọc Hoàng với nam tào và bắc Đẩu ở hai bên, mà lại ở ngay hang dưới cùng gần chúng sinh nhất. Vì thế đã có người nghiên cứu nhận xét rất đúng rằng: Người Việt Nam theo Đạo giáo mà không biết rằng đó là Đạo giáo.
           Nói đến Đạo giáo là nói đến vấn đề thần tiên với những kỳ phương dị thuật. Tư tưởng này vốn phổ biến ở xã hội nguyên thủy, mà ở Việt Nam do công xã nông thôn chậm giải thể, nên tàn tích của nó tồn tại dai dẳng mãi đến thế kỷ 20. Các truyền thuyết về thời các Vua Hùng dựng nước đầu tiên cho rằng Lạc Long Quân có nhiều phép trị được cả Hồ Tinh lẫn Mộc Tinh; Chử Đồng Tử có thuật chữa bệnh và xây thành trong chớp nhoáng; An Dương Vương được thần Kim Quy cho bảo pháp trừ tinh gà để xây thành Cổ Loa… Trên cơ sở tín ngưỡng dân gian ấy, người Việt cổ khi tiếp xúc với văn hóa Hán đã tiếp nhận những yếu tố phù hợp trong Đạo giáo của Trung Quốc. Đạo giáo của Trung Quốc coi Lão Tử là ông Tổ, đưa ra cách sống theo lẽ tự nhiên của vạn vật, và đó chính là cái đạo không hề hủy diệt. Nhưng sau đó Trang Tử đã thần bí hóa cái “đạo” của Lão Tử, xem nó là “thiên cơ” mà chỉ có các “chân nhân” mới nắm được nên đã trở thành thần tiên. Với các hoạt động phù phép và luyện đan để chữa bệnh và sống lâu, nó gặp lại tín ngưỡng nguyên thủy, và do đó khi thâm nhập vào Việt Nam đã được người Việt dù có hành lễ trước thần điện Đạo giáo, có những hoạt động phù thủy hay thần tiên cũng không biết mình theo Đạo giáo. Và với chủ trương sống theo thiên nhiên đã nảy sinh ở mọi người tình cảm ưa thích thiên nhiên, mở rộng ra là yêu sông núi đất nước, từ đó dẫn đến tình yêu Tổ Quốc gấm vóc. Tư tưởng ấy thấm vào cả các nhà sư và nhà Nho, để rồi làm giàu cho kho tàng văn học nghệ thuật với nhiều tác phẩm nổi tiếng quanh chủ đề này. Tự Đức dù phê phán Đạo giáo đủ điều thua kém Nho giáo, vẫn phải thừa nhận nó có cái hay là tôn trọng tự nhiên. Bàn về Bá gia, Nguyễn Đức Đạt viết trong sách Nam Sơn tùng thoại rằng “Đạo giáo làm vui cho thân mình, đạo Thích làm vui cho đời” và “Đạo Lão chuộng thanh tịnh, đạo Thích chuộng từ bi”. Nếu xa xưa, Đạo giáo Việt Nam sáng tạo được hình mẫu Ông Tiên dân tộc là Chử Đồng Tử với tất cả những tính người trong đời thường như hiếu thảo với cha nghèo, bẽn lẽn với phụ nữ, chung thủy với vợ hiền, thành kính với vua cha, lao động để tự lập, chan hóa với nhân dân… thì rồi sau đó ông Tiên trong các truyện cổ luôn là chỗ dựa của mọi người lao khổ. Nếu trong thời phong kiến tự chủ, Đạo giáo Việt Nam suy tôn anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thành “Đức Thánh Cha” cùng với cả gia đình thành những vị thần có tài trừ ma diệt quỷ, đồng thời có suy tôn nhân vật Liễu hạnh huyền thoại nhưng rất người thành “Đức Thánh Mẹ”, để rồi “Tháng tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” là những dịp sinh hoạt văn hóa nhộn nhịp của đông đảo nhân dân miền Bắc… thì đã củng cố trong mỗi nhà tình nghĩa thờ cha kính mẹ, mở rộng ra cả nước là sự tôn kính các anh hùng dân tộc, gắn bó mọi người trong cả nước cùng là “con mẹ con Cha” để cùng nhau dựng nước và giữ nước. Với những sinh hoạt thổi bùa, vẽ khoán, phù thủy, bói toán… Đạo giáo có tính thần bí huyền hoặc, từ đó dẫn đến mê tín dị đoan. Song bên cạnh đó, chẳng những nó có giá trị văn hóa về mặt tinh thần, mà trong một số trường hợp tư tưởng thần bí, nó còn là ngọn cờ tập hợp nhân dân đánh giặc cứu nước, mà nổi rõ là ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với hình thức cầu đồng, giáng bút, nó công khai nhưng không hợp pháp, huy động các thần linh, các anh hùng dân tộc, nào Tiên, nào Thần Tứ trấn thăng Long, nào Thánh Gióng, nào Tướng quân Phạm Ngũ Lão, nào Tổng đốc Hoàng Diệu… đều có thơ kêu gọi cháu con phải tìm cách rửa hận. Những câu thơ giáng bút đã thức tỉnh dân chúng như một sự chuẩn bị về mặt tinh thần, để sau đó đón thời cơ khởi nghĩa. Trong điều kiện vũ khí thiếu thốn thì niềm tin có Thần hóa thân vào thủ lĩnh để cầm quân, có bùa hộ mệnh cũng đã tạo sự dũng cảm cho quần chúng xông lên.


(Chu Quang Trứ, Di sản văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 1996, trang 13-16)
Đạo giáo ở Việt Nam Đạo giáo ở Việt Nam Reviewed by Unknown on 05:15 Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.