Welcome To Blogger

Evgeny Onegin của đại thi hào Puskin






Mở đầu
Đại thi hào Puskin là một trong những tác gia lớn của văn học Nga. Cùng với nhiều tác phẩm khác thì tiểu thuyết bằng thơ Epghênhi Ônhêgin là một trong những thành công của ông.
“ Epghênhi Ônhêgin của Puskin đối với người Nga cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với người Việt của chúng ta” (theo lời người dịch Thái Bá Tân).
Epghênhi Ônhêgin là một tiểu thuyết được thể hiện qua thơ, đem đến cho người đọc cảm giác bất ngờ, dí dỏm, lôi cuốn theo diễn biến của câu chuyện.
Do không có điều kiện lại không biết tiếng Nga nên nhóm chúng tôi tiếp cận tác phẩm này qua bản dịch của Thái Bá Tân. Chính vì thế những tên nhân vật mà nhóm chúng tôi viện dẫn khi phân tích yếu tố thơ vả tiểu thuyết trong tác phẩm cũng sẽ trung thành với bản dịch của Thái Bá Tân (ở phần đầu chúng tôi có dẫn ra tên tiếng Anh của nhân vật kèm theo).
Có thể nói, yếu tố thơ và tiểu thuyết trong tác phẩm hoà quyện vào nhau, tạo ra một tác phẩm tuyệt vời...


Chương 1: Tác giả, tác phẩm
1.1. Tác giả Puskin (1799-1837)
Puskin sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 tại thành phố Moskva trong một gia đình quý tộc Nga.
Mẹ của ông (thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal)- một người nô lệ da đen của vua Pyotr Đại đế- nhờ thông minh cũng như có những đóng góp lớn về quân sự, hàng hải nước Nga nên được Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi.
Trong những tháng hè thời thơ ấu, Puskin thường tới sống với bà ngoại tại ngôi làng nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva.
Lên sáu tuổi, Puskin được tuyển vào trường Lyceum Hoàng gia, tại Tsarskoe Selo (Hoàng Thôn, nay là thị trấn Puskin) gần kinh đô Sankt-Peterburg. Trong quãng thời gian theo học tại nơi này, ông đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga với quân Pháp của Napoleon I (1812). Và ông cũng có làm bài thơ nổi tiếng về vấn đề này “Hồi ức ở Hoàng Thôn”. Nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thời bấy giờ là Gavril Romanovich Derzhavin coi đây là tác phẩm kiệt xuất; tôn vinh Puskin- khi đó mới 16 tuổi- như một nhà thơ lớn của nước Nga.
Sau khi tốt nghiệp Lyceum, Puskin tích cực tham gia vào các hoạt động văn học nghệ thuật của giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt-Peterburg, lúc bấy giờ đang nỗ lực đấu tranh cho một cuộc cách mạng xoá bỏ chế độ nông nô tại Nga. Thời gian này ông cho ra đời những bài thơ mang tính chính trị như "Gửi Chaadaev" (1818), "Gửi N.Ya. Plyuskova" (1818), "Làng quê" (1819)...
Năm 1820 Puskin cho in bản trường ca đầu tiên của mình, gây tiếng vang lớn về phong cách cũng như chủ đề - "Ruslan và Lyudmila". Nhân sự kiện tác phẩm này ra đời, Zhukovsky tặng Puskin tấm chân dung với lời đề tặng “Người thầy chiến bại tặng người học trò chiến thắng”.
Mùa xuân 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt-Peterburg, bá tước M. Miloradovich, đã quyết định đày Puskin tới Sibir. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ và ảnh hưởng của những người bạn (Nikolai Mikhailovich Karamzin, Pyotr Yakovlevich Chaadayev, Fyodor Nikolayevich Glinka), cuối cùng ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi thành phố Sankt-Peterburg vô thời hạn.
Sau khi rời Sankt-Peterburg, Puskin đã đi xuống miền nam nước Nga, tới KavkazKrym, Moldova, Kiev. Trong thời gian này ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Nga thế kỷ 19, như "Người tù binh Kavkaz" (1822), "Gavriiliada" (1821), "Anh em lũ cướp" (1822), "Đài phun nước Bakhchisaraysky" (1824).
Năm 1823, ở Kishinov, Puskin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ, kiệt tác “Epghênhi Ônhêgin”
Tháng 7 năm 1824, với đơn xin ân xá, Puskin được chính quyền cho phép về ở khu trang trại Pskov tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình. Tại Mikhailovskoe ông đã sang tác những tác phẩm lịch sử như vở kịch "Boris Godunov" (1825), "Với biển cả" (1826), trường ca "Những người Digan" (1827).
Năm 1825, trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Puskin đã gặp nàng Anna Kern, người tạo cho ông cảm hứng để sáng tác bài thơ nổi tiếng "Gửi K".
Cuối năm 1825 đầu năm 1826 kết thúc chương năm và sáu của " Epghênhi Ônhêgin", mà lúc đó Puskin coi là đoạn kết cho phần một của tác phẩm.
Năm 1831 được đánh dấu bởi một sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp của Puskin, ông đã có buổi gặp gỡ với Nikolai Vasilyevich Gogol, một nhà văn Nga nổi tiếng khác. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và luôn hỗ trợ nhau trong hoạt động nghệ thuật. Puskin đã có ảnh hưởng lớn tới những nhân vật trong các tác phẩm châm biếm phê phán hiện thực của Gogol.
Cùng năm 1831, Puskin kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người đã đem lại cho ông cảm hứng sáng tác lớn lao. Ông hoàn tất chương "Bức thư của Ônhêgin " trong tác phẩm “ Epghênhi Ônhêgin” và cũng là chương kết của công trình vĩ đại mà nhà thơ đã mất 8 năm để thực hiện.
Tháng 11 năm 1833, Puskin trở lại Sankt-Peterburg, và cảm thấy cần phải có những thay đổi lớn trong cuộc sống, ông không muốn bị kìm kẹp trong bốn bức tường do chế độ quản thúc.
Nhờ sự sủng ái của Sa hoàng Nikolai I, đầu năm 1834 chế độ quản thúc đối với Puskin được nới lỏng, tuy nhiên các tác phẩm thơ ca của ông vẫn phải có sự đồng ý của Sa hoàng mới được phát hành.
Trong thời gian này, ông sáng tác văn xuôi. Lần lượt truyện vừa như "Con đầm bích", tiểu thuyết như "Dubrovski" (1832-1833), "Con gà trống vàng" ra đời. Tiểu thuyết "Người da đen của Pyotr Đại đế" ông viết chưa hoàn thành...
Cùng với những người bạn, Puskin đã thành lập tờ tạp chí Người đương thời. Nhiều tác giả nổi tiếng của Nga thời bấy giờ như Aleksandr Ivanovich Turgenev, N.V. Gogol, V.A. Zhukovski, P.A. Vyazemski đã ủng hộ bằng cách gửi những tác phẩm mới nhất của mình tới cho tạp chí này. Tuy nhiên, độc giả Nga khi đó chưa quen với những bài viết mang tính phê phán hiện thực sâu sắc đã không hưởng ứng tạp chí Người đương thời. Số lượng độc giả quá ít khiến ban biên tập lâm vào tình thế rất khó khăn, họ không có đủ tiền để trang trải cho việc in ấn và thù lao cho cộng tác viên. Hai số cuối của tạp chí có đến quá nửa là sáng tác của Puskin, phần lớn là để vô danh. Tiểu thuyết "Người con gái viên đại úy" chính là được in trên tạp chí này.
Vợ của Pushkin - Natalia Goncharova là một phụ nữ đẹp, quý phái. Chính vì vậy, luôn có rất nhiều người ái mộ, trong số đó có cả Sa hoàng Nikolai I. Trong khi đó, Puskin do nguồn gốc châu Phi của mình, lại có một bề ngoài không mấy bắt mắt đã làm cho ông rất khó chịu và không ít lần cảm thấy bực bội.
Năm 1837, do những tin đồn thất thiệt về quan hệ ngoại tình của vợ mình với Georges d'Anthès, một sỹ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng, Puskin đã thách đấu súng với viên sĩ quan trẻ tuổi này. Cuộc đọ súng đã kết thúc hết sức bi kịch khi cả hai đối thủ đều bị thương, nhưng Puskin đã bị trọng thương và qua đời hai ngày sau đó – ngày 10 tháng 2 năm 1837.
1.2. Tác phẩm Evgeny Onegin
1.2.1. Hoàn cảnh ra đời
Tác phẩm khởi công viết từ 1823 và hoàn thành 1831. Đăng báo dần dần từng chương từ 1825 đến 1833 thì xuất bản toàn bộ.
Tiểu thuyết bằng thơ này là một trong những kiệt tác bậc nhất của văn học Nga và thế giới. Với tác phẩm này mở con đường mới chưa từng có cho văn học Nga chủ nghĩa hiện thực .
1.2.2. Tóm tắt tác phẩm
  Ônhêgin (Onegin) là một thanh niên quý tộc thông minh, có học thức, hào hoa, là một kiểu mẫu thượng lưu ở . Sau nhiều năm phí hoài tuổi trẻ trong các phòng trà, nhà hát, tiếp tân, khiêu vũ, tiệc tùng, anh bắt đầu buồn chán “nỗi buồn chán của người Nga”. Anh đóng cửa ngồi nhà viết văn, đọc sách … nhưng rồi cũng không xóa được căn bệnh buồn chán nặng nề ấy. Cha và chú qua đời , anh về quê thừa kế gia tài, quản lý trại ấp, sống cho khuây khỏa. Nhưng chỉ được vài ngày sau anh lại buồn chán như xưa… Cùng quê, có anh bạn Lenxki (Lenski) đang đắm đuối trong bản tình ca cùng cô Ônga (Olga) xinh đẹp, hồn nhiên, bạn láng giềng từ nhỏ. Cả hai kết bạn với nhau. Tanhia (Tachyana), chị của Ônga (Olga), một tiểu thư nông thôn không đẹp như cô em nhưng tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ, mơ màng tư lự và giản dị.
Tanhia (Tachyana) yêu Ônhêgin (Onegin) ngay trong buổi đầu gặp gỡ. Cô viết thư tỏ tình gửi ngay cho Ônhêgin (Onegin). Xúc động vì tấm lòng chân thành của cô nhưng Ônhêgin (Onegin) lại từ chối tình yêu vì lo rằng cuộc sống sẽ mất “yên tĩnh và tự do”. Thực ra anh chưa yêu vì còn ở trong tình trạng khủng hoảng tư tưởng. Do sự bực bội với Lenxki (Lenski), anh tìm cách trả thù bạn theo kiểu quí tộc . Anh giả vờ ve vãn Ônga (Olga), chọc tức Lenxki (Lenski). Đúng vào ngày lễ thánh của Tanhia (Tachiana), xảy ra xung đột giữa Lenxki (Lenski) và Ônhêgin (Onegin). Vì thói sĩ diện qúi tộc, Ônhêgin (Onegin) đã nhận lời thách đấu súng và anh đã giết bạn.
Đau buồn và hối hận, Ônhêgin (Onegin) rời làng quê ra đi du ngoạn lang thang suốt mấy năm trời.
Ônga (Olga) mau chóng quên lãng người yêu xấu số Lenxki (Lenski), cô nhận lời cầu hôn của một viên sĩ quan và cùng chồng đi theo đơn vị.
Tanhia (Tachyana) cảm thấy bị xúc phạm và đau khổ, sống âm thầm lẻ loi, từ chối mọi đám mối mai. Mùa đông nước Nga, hai mẹ con chuyển về sống ở Moskva. Trong xã hội thượng lưu có một viên tướng lớn tuổi xin cầu hôn nàng. Vì thương nể mẹ, Tanhia (Tachyana) nhận lời.
Đến ngày Ônhêgin (Onegin) trở lại thì Tanhia (Tachyana) đã là một phu nhân sang trọng và đức hạnh trong giới quí tộc thủ đô. Với Ônhêgin (Onegin), tình yêu sống dậy mãnh liệt trong tâm hồn, anh viết thư cho Tanhia (Tachyana). Anh trở nên si tình đến mức ốm đau và không thể chờ hồi âm, anh tìm đến gặp cô .
Tanhia (Tachyana) thú nhận vẫn còn yêu anh nhưng băn khoăn có nên bỏ cả lầu son gác tía để cùng anh trở lại làng quê giản dị ngày xưa. Cô cảm động vì tình yêu say đắm của anh, nhưng cuối cùng cô quyết định từ chối, vẫn chung thuỷ với chồng.
Tanhia (Tachyana) bỏ đi, Ônhêgin (Onegin) đứng đó sững sờ,… nàng ra khỏi phòng khách, chồng của nàng bước vào tiếp khách.

Chương 2: Onegin là tiểu thuyết bằng thơ
2.1. Tính chất thơ
Vấn đề con người thời đại là vấn đề được nhiều tác giả Nga đề cập trong các sáng tác của mình, và với Puskin, Epghênhi Ônhêgin cũng là một trong số đó. Tác phẩm là trung tâm trong kho tàng sáng tác của Puskin và kho tàng văn học dân tộc nước Nga. Tiểu thuyết bằng thơ này có nội dung phong phú, giá trị nghệ thuật cao, rất phổ biến và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ nên văn học Nga. Tác phẩm cũng đã đánh dấu sự chuyển mình sang chủ nghĩa hiện thực của nền văn học này
Đây là tiểu thuyết bằng thơ bởi toàn bộ tác phẩm được viết dưới dạng một bài thơ dài, mà mỗi khổ thơ có thể hình dung như một bài thơ sonnet, hai câu đầu nêu chủ đề của toàn khổ thơ, bốn câu cuối là những câu kết, câu cuối cùng thường bất ngờ, dí dỏm. Bên cạnh đó, trật tự vần của Epghênhi Ônhêgin cũng được đúc kết lại theo thứ tự sau: ababeecciddiff.
Co thể lấy khổ thơ sau làm ví dụ để phân tích trật tự này :
Мой дядя самых честных правил,    (a)
Когда не в шутку занемог,                             (b)
Он уважать себя заставил                              (a)
И лучше выдумать не мог.                             (b)
Его пример другим наука;                             (e)
Но, боже мой, какая скука                             (e)
С больным сидеть и день и ночь,     (c)
Не отходя ни шагу прочь!                             (c)
Какое низкое коварство                                    (i)
Полу-живого забавлять,                                    (d)
Ему подушки поправлять,                              (d)
Печально подносить лекарство,                  (i)
Вздыхать и думать про себя:                           (f)
Когда же черт возьмет тебя!"                       (f)
Dịch nghĩa :
Ông bác mình rất nghiêm và điều độ (a)
            Nhất là khi ông đang ốm liệt giường, (b)
            Thì mọi người xung quanh ông đến khổ (a)
            Phải hết lòng kính trọng và yêu thương! (b)
            Ông rất tốt, ai cũng khen như vậy (e)
            Nhưng thú thật, ai mà không phát ngấy (e)
            Khi ngồi yên bên giường bệnh đêm ngày, (c)
            Không được rời một phút, phải luôn tay (c)
            Hết đưa thuốc, lại vén chăn sửa gối (i)
            Để mua vui cho một lão yếu già (d)
            Luôn bất động đang nằm bên hấp hối. (i)
            Chẳng khác gì đem tra tấn, và ta (d)
            Không ít lúc phải thở dài ngao ngán: (f)
            "Thôi chết đi cho tôi nhờ, ông bạn!..." (f )
Không chỉ có các yếu tố về thể thơ và cách gieo vần giống với một bài sonnet, Epghênhi Ônhêgin còn mang đậm tính chất thơ bởi những đặc điểm độc đáo của hình thức thơ, cũng như các phân đoạn trữ tình ngoại đề mang đậm cái tôi của tác giả, như:
“Về nhân vật này, cụ thể anh ta
            Tên gọi Epghênhi , Ônhêgin là họ,
            Và với tôi là chỗ rất thân tình…”
Có thể thấy, A.S.Puskin giới thiệu về Ônhêgin như một người bạn, thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân vật trữ tình, là một điều thường thấy trong các bài thơ của A.S.Puskin
“Bỏ quạnh hiu của ruộng lúa nương rừng
            Nơi chiếc bóng đầy máu me vất vưởng
            Hiện hằng ngày, chàng không thể dửng dưng”
Cái tôi của Puskin hiện diện trong nhiều đoạn thơ, thể hiện sự đồng cảm, thương xót đối với nhân vật, chính cái tôi ấy đôi lúc hóa thân vào chính Ônhêgin, Lenxki, hay Tanhia để nói thay cho nỗi niềm mà họ- những con người của thời đại đang mang:
“Yêu anh lắm (có cần chi nói khác)
            Nhưng cuộc đời của em giờ phó thác
            Kẻ khác rồi em mãi mãi trung trinh”
Có lẽ, với Epghênhi Ônhêgin, A.S.Puskin không đặt vào tác phẩm của mình một tư tưởng cụ thể nào cả mà chỉ cố gắng phản ánh những thực tế về con người, thời đại hiện thời. Kết hợp với cấu trúc và ngôn ngữ thơ của một bài thơ sonnet, tác giả đã làm nổi bật lên suy nghĩ của nhân vật cộng hưởng với suy nghĩ của chính tác giả, tạo nên những triết lý sâu sắc trong mối quan hệ giữa con người với con người, và con người với thời đại trong Epghênhi Ônhêgin.
2.2. Tính tiểu thuyết trong Epghênhi Ônhêgin (Evgeny Onegin)
Để làm rõ hơn cho luận điểm này thì nhóm chúng tôi xin đưa ra khái niệm về tiểu thuyết.
Theo Từ Điển Tiếng Việt (1988)- Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn Ngữ học thì tiểu thuyết là truyện dài bằng văn xuôi có dung lượng lớn với nhiều nhân vật hoạt động trong phạm vi lịch sử, xã hội rộng lớn.
Theo Từ Điển Văn Học (bộ mới)- Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá thì “Thuật ngữ chỉ thể loại tác phẩm tự sự, trong đó sự trần thuật tập trung vào số phận một cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó, sự trần thuật ở đây được khai triển trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt”[127, 1716]
Vậy tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.
Đến với tác phẩm Epghênhi Ônhêgin tuy được trình bày dưới hình thức là thơ nhưng điều đặc biệt ở tác phẩm này đó là mang tính tiểu thuyết
Tính tiểu thuyết của tác phẩm được thể hiện trước hết qua cốt truyện và nhân vật
Với cốt truyện xoay quanh nhân vật chính là chàng thanh niên quý tộc Epghênhi Ônhêgin sinh trưởng trong gia đình quý tộc, trong giai cấp quy tộc
“Ông bố chàng vốn công tâm, trong sạch
Đã về hưu, nay nợ ngập lút đầu
Nhưng một năm đúng ba lần đãi khách
Và cuối cùng đã phá sản rất mau”
 Trong “ thế giới của thói nô lệ khúm núm và tính hảm danh ti tiện”. Cái thế giới ấy làm cho chàng buồn chán, hoài nghi, lạnh lùng như không hủy diệt được hết mầm móng tốt đẹp trong bản thân chàng. Cuộc sống quý tộc, giáo dục với:
“Chỉ vì thương, không bắt cậu học nhiều
Không giáo huấn, không cho bài phức tạp
Học mà đùa, thật dễ chịu bao nhiêu”
 Chính vì giáo dục như thế đã tạo nên một Ônhêgin phù phiếm vui chơi, phí hoài tuổi trẻ trong phòng trà, rạp hát với các mối tình chốc lát và những cuộc quyết đấu. Để rồi chính những điều đó Puskin đã đưa đọc giả thấy được thân phận bi kịch của một “con người thừa” trong xã hội nửa phong kiến, nửa tư bản ở Nga.
Qua kết cấu cốt truyện và nghệ thuật kể chuyện
Trong Epghênhi Ônhêgin, kết cấu cốt truyện là kết cấu mở. Đây là kiểu kết cấu khá phổ biến của nền văn học Nga sau này. Mà Epghênhi Ônhêgin của Puskin có lẽ là tác phẩm mở đầu. Ví dụ như trong “ Tội ác và trừng phạt” của Dostoevky chưa phải là đã hết sau khi chàng sinh viên Raskolnikov bị kết án năm tù và nàng Sonya đã theo chàng đến tận Sibe –ria như một người vợ chung thủy.
 Giống như các bộ tiểu thuyết khác, tác phẩm Epghênhi Ônhêgin cũng lấy nghệ thuật kể chuyện làm giọng điệu chính của tác phẩm với người kể chuyện trong Epghênhi Ônhêgin không kể lại câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, mà là kể những gì mình đang chứng kiến. Người kể chuyện đồng thời cũng là người tham gia vào tiến trình diễn tiến các sự kiện của tác phẩm, và điều đó làm tăng thêm cảm giác xác thực của câu chuyện, xích gần khoảng cách giữa người đọc và thế giới của tác phẩm. Là người tham gia vào tiến trình phát triển cốt truyện, người kể chuyện có thể đi cùng với các nhân vật đến tận cùng, nhưng có thể chỉ là kẻ đồng hành trên một chặng đường nhất định rồi chia tay. Đó là trường hợp của Epghênhi Ônhêgin, Puskin chia tay hai nhân vật Ônhêgin và Tanhia của mình sau cảnh nàng Tanhia từ chối tình yêu của Ônhêgin, rồi đi ra bỏ chàng gục đầu trong đau khổ. Tác phẩm kết thúc với một khung cửa bỏ ngỏ, số phận nhân vật rồi sẽ đi về đâu, thực tế khách quan của cuộc sống sẽ giúp người đọc suy ngẫm và tiên đoán.
Khả năng phản ánh toàn vẹn hiện thực
Đặc trưng lớn nhất của tiểu thuyết chính là khả năng phản ánh toàn vẹn và sinh động đời sống theo hướng tiếp xúc gần gũi nhất với hiện thực và tác phẩm  Epghênhi Ônhêgin của Puskin đã thực sự thành công khi phản ánh toàn vẹn hiện thực lúc bấy giờ.
Với nhân vật Epghênhi Ônhêgin đại diện. Thi hào Puskin đã xây dựng nên một hình tượng "người thừa" trong tác phẩm văn học Nga. Phản ảnh sự chán ghét cuộc sống hủ bại, giằn xé trong đời sống nội tâm của bộ phận thanh niên Nga qua hình tượng con người thừa:
“Chàng điểm qua hết mọi việc lúc này
            Và kết án bản thân chàng nhiều mặt”

            Hay:
            “Ôghênhin rất đau khổ âm thầm
            Không ít lúc chàng gượng cười giả dối”
 Không tìm thấy lối thoát của những trí thức quý tộc với giai cấp tư sản vào thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đồng thời tác phẩm cũng phê phán ý chí bạc nhược, tâm hồn rỗng tuếch và tư tưởng tư lợi của cá nhân, sự tự tôn giả dối của giai cấp quý tộc Nga lúc bấy giờ.
Chương 3: Giá trị của yếu tố thơ và tiểu thuyết trong tác phẩm Epghênhi Ônhêgin (Evgeny Onegin)
3.1. Về thủ pháp xây dựng nhân vật
3.1.1. Hình tượng nhân vật Ônhêgin – con người thừa
Epghênhi Ônhêgin là một thanh niên quý tộc, trẻ tuổi, thông minh, có học thức, một kiểu mẫu của xã hội thượng lưu. Được giáo dục theo kiểu văn hoá Pháp, tính tình hoài nghi, ích kỷ, chán nản trước tất cả mọi sự. Nhưng là một người rất phức tạp và mâu thuẫn sâu sắc trong tâm hồn cũng như tư tưởng. Chính những mâu thuẫn này làm cho hình ảnh chàng trở nên sinh động xa lạ với chủ nghĩa cổ điển trước kia vẫn ngự trị trong các tiểu thuyết Nga. Ônhêgin không phải là một nhân vật tích cực, cũng không phải là một nhân vật phản diện. Tác giả một mặt phê phán, một mặt cũng ưa thích những tính cách đặc biệt của anh ta.
Mâu thuẫn trong tính cách của Ônhêgin là do địa vị xã hội và nền giáo dục mà anh đã được qui định. Anh là người thuộc giai cấp quí tộc có đầy đủ những phẩm chất, lối sống đạo đức của giai cấp này. Được kế thừa một gia sản to lớn của cha và chú để lại. Vì thế anh không cần làm gì để kiếm sống và bản thân anh cũng không muốn lao động. Anh đắm mình trong cuộc sống xa hoa, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Trên giường ngủ chưa dậy thì đã có thiệp mời dự lễ, dạ hội,..
“ Không ít khi còn trên giường chưa dậy
Chàng được trao một tập thiếp rất dày
…..
Đêm đã xuống, chàng lên xe lập tức
Người đánh xe quất ngựa, vội lên đường.”
Tuy nhiên Ônhêgin lại thấy chán nản với cuộc sống quí tộc của mình
“ Hay cái nhìn buồn bã của mắt ta
Chẳng còn thấy khuôn mặt nào thân thiết
Ở nơi kia, trên sân khấu và rồi
Ta thất vọng đưa óng nhòm mỏi mệt
Thấy toàn người xa lạ. Than ôi,
Ta đến đây tìm cái vui ấm áp
Mà ngồi nhớ, tiếc ngày xưa và ngáp!”
Và anh vẫn phải mất nhiều tiếng đồng hồ cho việc chải chuốt làm đẹp bản thân mình trước khi ra ngoài, gặp người khác. Là một người có gu thời trang khá cầu kỳ.
“ Có thể vẫn là người luôn tử tế
Mà vẫn chăm, tô chảy móng hằng ngày.
Biết làm sao thời của ta là thế
Mốt là điều đầy cám dỗ xưa nay.
Là Sađaep thứ hai, chàng rất sợ
Những lời đồn nhỏ to tuy vô cớ,
Nên thời trang chàng cũng khá cầu kỳ
Và có phần hơi đởm dáng. Nhiều khi
Chàng đã đứng bên chiếc gương ít nhất
Nhìn trước sau cũng phải đến ba giờ
Để khi bước ra phòng, xin nói thật,
Trông giống nàng Vệ Nữ đẹp, ngây thơ
Khi nàng mặc bộ áo quần nam giới
Đi dự hội đêm hoá trang đang đợi.”
Đối với các cô gái thì Ônhêgin không đắm say chỉ là trò vui để anh giải khuây mà thôi. Anh không yêu ai cả, chỉ yêu bản thân mình mà thôi.
Cuộc sống của anh từ nhỏ đến lớn cứ dần trôi qua mộ cách êm đềm vá chán chường. Đối với anh mọi việc đã có người làm lo sẵn anh không cần phải bận tâm hay suy nghĩ về điều gì bởi sự đầy đủ của một quí tộc. Những tháng ngày ở Peterburg, làm cho anh cảm giác trống rỗng và đầy chán nản.  Mọi việc cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và anh như một người vô dụng không biết làm gì.Điều đó đã làm anh phung phí những năm tháng tuổi trẻ của mình.  Khi về nông thôn, anh thử quản lí trại ấp, thay đổi chế độ tạp dịch bằng địa tô nhẹ nhưng việc làm đó không lâu, vì mục đích làm của anh chỉ là cho hết buồn chán mà thôi. Vì vậy anh vẫn cảm thấy không hết chán nản.
“ Chỉ hai ngày Ônhêgin thấy lạ
Cảnh đồng xanh hoang vắng, cảnh núi đồi,
Cảnh rừng cây âm u luôn rợp lá
Cảnh thì thầm con suối chảy. Than ôi,
Bước sang ngày thứ ba, chàng đã nghĩ
Những cảnh trên mất hẳn phần thú vị,
Ngày tiếp theo chàng ngái ngủ, thấy buồn,
Và cuối cùng chàng hiểu được: nông thôn
Cũng tẻ nhạt và chán chường như cũ”
Là con đẻ của giai cấp quí tộc thượng lưu, vì vậy anh luôn đắm mình trong sự sung sướng, giàu sang. Chỉ hưởng thụ mà không cần lao động. Chính giai cấp quí tộc đã tạo ra một con người như thế và điều tất nhiên anh sẽ là người tiếp nối kế thừa bởi anh được giáo dục bởi một sự giáo dục què quặt. Tuy nhiên anh lại không phải là một người tầm thường như những người cùng giới, trong tâm tư anh vẫn còn le lói ánh sáng của trí tuệ. Sống trong xã hội thượng lưu nhưng anh cũng có những điều không tán thành, không ca ngợi nó. Anh cũng nhận thấy được những tệ hại, xấu xa trong cái xã hội mà anh đang sống. Vì vậy mà anh luôn chán nản cuộc sống, chán mọi người và chán cả bản thân mình. Anh không bằng lòng với mọi thứ xung quanh anh, không thoả mãn “với cuộc sống này anh lạnh nhạt dững dưng”. Anh không làm quan để deo đuổi danh vọng  như các quí tộc khác. Anh cũng không yên tâm thanh thản để hưởng những quyền lợi của giai cấp quí tộc dành cho mình.Anh không tận tâm, tận lực phục vụ cho nhà nước thuộc giai cấp đó, nhưng anh không có can đảm rời bỏ cái xã hội ấy. Anh vẫn bị lợi thuộc vào nó. Anh hơn được những người cùng giới với anh là anh biết nhìn thấy sự chán chường của một cuộc sống xa hoa nhưng không ích lợi. Do sự buồn chán, ích kỷ của mình, anh đã tổn thương đến những người yêu quý anh như Tanhia và Lenxky. Anh đã từ chối lời tỏ tình của cô thôn nữ một cách lịch thiệp, điều đó đã làm cho Tanhia đau khổ, thất vọng.
“Tanhia không đáp, chỉ cúi đầu.
            Nàng nín thở, hai mắt mờ đẫm lệ
            Ðứng bên chàng cùng im lặng hồi lâu”
Trong tình bạn của mình và Lenxki, anh đã phải đau khổ bởi sự ích kỷ của mình khi nhận lời đấu súng và giết chết bạn để bảo vệ sự tự tôn thấp hèn của mình.
“Một chọi một với lương tâm lúc ấy
Chàng tức giận với chính chàng, đúng vậy”.
Anh cho đó là điều vớ vẩn, tuyệt đối không nên làm nhưng anh vẫn để điều đó xảy ra vì anh sợ dư luận xã hội- cái mà anh coi thường.
“ E là khó- giới thượng lưu cao quý
Cái lo sợ, than ôi, là bệnh sĩ”.
Đó là điều mâu thuẫn trong con người anh. Anh là một người chán xã hội, khinh bỉ nó nhưng lại sợ chính nó. Vừa coi thương khinh khi nhưng lại sợ. Đó là nét mâu thuẫn trong tính cách của anh. Qua việc từ chối tình yêu của Tanhia và đấu súng với Lenxki chúng ta thấy Ônhêgin là người không có lối thoát, sống quẫn quanh, tiêu phí cuộc đời vào những điều vô nghĩa nguy hiểm không đáng. Nhưng anh cũng không thể thay đổi. Vì anh không biết không biết phải làm như thế nào và cũng không muốn biết, khắc phục căn bệnh lười nhác. Làm việc nghiêm túc. Cống hiến đời mình cho sự nghiệp cao cả. Tất cả những cái đó quá xa lạ đối với anh. Lúc nào anh cũng thấy đau buồn và chán nản. Tâm trạng đó  làm cho anh đứng cao hơn bọn quí tộc địa chủ ở nông thôn và giới quí tộc thượng lưu ở kinh đô Nga. Ở anh luôn có sự vươn lên để thoát khỏi con người sa đọa, nhưng anh lại chưa với tới tầm cao của những người tiền chiến, những người Tháng Chạp. Chính những người anh hùng này đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân. Ônhêgin chưa giác ngộ được như họ. Anh không làm cách mạng, không dám vượt qua tính ích kỉ của giai cấp mình để thấy được nỗi khổ của nhân dân dưới sự áp bức bốc lột nặng nề của địa chủ quí tộc. Anh không dám đi theo những người Tháng Chạp để đấu tranh chống lại Nga hoàng, xóa bỏ chế độ nông nô chuyên chế. Nỗi buồn chán của anh là “nỗi buồn chán của người Nga”. Đó là nỗi buồn về sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước. Nhưng anh chưa phải là con người ưu tú tiến bộ của thời đại. Kiểu người như Ônhêgin ở vào thời kỳ phong trào cách mạng mới bắt đầu thì còn đôi nét tích cực. Nhưng ở vào thới kỳ cách mạng cao trào thì anh hoàn toàn là một người thừa thải, thậm chí còn có lợi cho giai cấp thống trị hơn là cho nhân dân
Tính cách của Ônhêgin có sự biến đổi. Từ việc vô tình giết chết Lenxki đến việc đi du lịch dài ngày, hiểu rõ cuộc sống nặng nề khổ đau của nhân dân Nga, đã khiến Ônhêgin nghiêm túc hơn, có nghị lực hơn, và có khả năng xúc cảm mạnh hơn. Cuối cùng là việc Tanhia khước từ anh và anh hiểu rõ lòng nàng. Tác phẩm khép lại ở đó. Liệu chàng có đủ nghị lực và niềm tin đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong phong trào đấu tranh Tháng chạp hay không? Ônhêgin buộc phải suy nghĩ. Anh không thể bàng quan và ích kỉ mãi như thế. Rất có thể anh sẽ thay đổi nhận thức và đi theo con đường của những thanh niên tiên tiến. Nhưng đó chỉ là những phán đoán ở tương lai, còn thực tại trong tác phẩm thì anh chưa phải là nhà Tháng chạp. Sức lực của bản chất phong phú của anh vẫn không có chỗ sử dụng.
Tóm lại Ônhêgin là “con người thừa”, là điển hình của một lớp thanh niên thời bấy giờ – những kẻ sống nhờ vào sức lao động của nông dân, thông minh, có lòng thương người và không được giáo dục đầy đủ. Ônhêgin là con người không có lí tưởng, là sản phẩm của xã hội Nga những năm 20 và cả nửa đầu thế kỉ XIX.
3.1.2. Hình tượng nhân vật Lenxki
Lenxki cũng là một kiểu nhân vật xa lạ. Anh là một chàng trai trẻ tuổi đầy lãng mạn đầy nhiệt huyết và sức sống. Là một người có học thức cao, được đạo tạo ở nước ngoài. Một nhà thơ tài năng, có những quan điểm xã hội tiến bộ, mơ ước nhân dân được tự do
“ Cũng lúc ây thêm một ông chủ mới,
Một chàng trai vừa phóng ngựa về nhà.
Và cũng giống Ônhêgin khi tới
Được mọi người rất chú ý điều tra
Tên chàng gọi Vlađimia, và họ
Lenxky, một nhà thơ. Trước đó
Ở Gettingen chàng theo học, bây giờ
Trở về làng, rất trẻ, đẹp, ngây thơ.
Chàng yêu Kant, mang theo kết quả
Của nhiều năm du học ở đất người”
So với nhật vật Ônhêgin, anh là người có học vấn cao hơn, được du học nước ngoài, nhưng vẫn là một con người xa rời thực tế. Tuy là nhà thơ nhưng nhựng bài thơ của anh chỉ thể hiện cảm xúc đau buồn và bi thảm. Anh rất hăng say và sôi nổi tin vào tình yêu, tình bạn chân thành.
“ Nhưng tuổi trẻ hăng say thì ngược lại
Rất cả tin, không giấu được điều gì
….
Vâng chàng yêu một cách yêu phải nói
Khác cách ta đang yêu ghét. Mà rồi
Chỉ mình chàng với trái tim sôi nổi”
Mặc dù, có những đặc điểm nổi bật nhưng anh lại là một người dễ buồn nản và thiếu suy nghĩ trong hành đồng liều lĩnh của mình. Trong nhày sinh nhật của Tanhia, thấy Ônhêgin ve vãn Ônga, anh vội kết tội là Ônga lừa dối anh và hư hỏng. Anh căm giận nàng.
“Ônhêgin cũng chỉ mời ra nhảy
Một mình nàng, rồi vui vẻ đưa chân
Tay ôm chặt Ônga, chàng nói nhỏ
Vào tai nàng một chuyện vui nào đó.
….
Lenxki nhìn thấy hết, thế là
Trong cơn giận và gen tuông dữ dội
….
Lenxki vừa oán hận đàn bà,
Vừa giận dữ, sai người hầu dắt ngựa,
Rồi một mình chàng bỏ cuộc đi ra”
Lenxky vốn là một người không tinh tế và hay tự ái. Chàng đã bỏ về trong cơn tức giận và viết thứ thách  đấu súng với Ônhêgin.
“ Đây là thư Lenxky nhã nhặn
Thách Ônhêgin đấu súng với mình”
Nhưng khi Lenxki biết được Ônga vẫn yêu mình thì sự gen tuông đã tan biến, tình cảm của anh bị xáo trộn. Bị dằn vặt, chàng băn khoăn hối lỗi. Nhưng trận đấu súng đã diễn ra và bị Ônhêgin bắn chết. Đó là cái chết không ý nghĩa.Sẵn sàng giết chết nhau vì cảm thấy bị phản bội.
Rõ ràng, Lenxki là mẫu người lãng mạn thời đại, chỉ hành động mà không hiểu rõ thực tế, chỉ tin vào tình cảm mà bổng bột, nóng ội trong hành động.
Nhà thơ tỏ thái độ yêu thương thông cảm khi miêu tả nhân vật này. Vì đây là một con người trong sáng, thơ ngây, có khát vọng và trở thành nhà thơ có tài. Nếu như nhân vật này còn sống, anh ta không tìm ra lối thoát thì cũng trở thành một kẻ tầm thường.
Ngoài ba nhân vật chính, còn miêu tả cả một giới quí tộc Nga, các đại biểu quí tộc nông thôn và giới thượng lưu thành thị với thái độ phê phán, mỉa mai.
Cuộc sống của những người dân bình thường được nhà thơ miêu tả với tấm lòng cảm thông sâu sắc nỗi đau khổ, nhọc nhằn của họ.
Những bức tranh phong cảnh nông thôn Nga và thiên nhiên phong phú, đẹp đẽ  bốn mùa xuân hạ thu đông. Nhà thơ yêu quí mùa xuân ở nông thôn, mùa hè thấp thoáng qua mau. Thu về trên cánh rừng u buồn trút lá vàng xào xạc, sương buông mờ, chim trời kêu thê lương. Và mùa đông nhà thơ say mê, mùa tâm hồn rung động khát khao….
3.1.3. Nhân vật Tanhia
Nếu như Puskin xây dựng một Ônhêgin là “con người thừa”, sống không mục đích, cô đơn, không biết mọi việc xung quanh, không quan tâm đến ai
“Các hàng xóm gần và xa tất cả
            Còn đến thăm anh bạn mới lúc đầu.
            Nhưng họ đến, chàng thường hay vội vã
            Cho gọi người mang ngựa trốn sân sau
            Khi vừa nghe từ ngoài đường đâu đó
            Tiếng lộc cộc những chiếc xe chở họ.
            Khách đành lui. Bị xúc phạm cách này,
            Họ vội vàng quyết định cắt chàng ngay:
            Anh hàng xóm của ta điên, vô học,
            Quá tự do trong tư tưởng, hàng ngày
            Chỉ toàn uống ruợu nho, và một cốc,
            Với các bà, không chịu đến hôn tay,
            Chỉ nói vâng, mà không vâng-xờ Ðấy,
            Nhận xét chung về anh chàng như vậy.”
thì đến nhân vật Tanhia (Tachiana), với những vần thơ của mình, ông đã vẽ nên hình ảnh của một thiếu nữ quý tộc ở làng quê. Nàng sống rất bình dị như những cô gái nông thôn khác. Nàng có vẻ hơi sống nội tâm, hay suy nghĩ và có lẽ, nàng cũng trở nên khác biệt hẳn so với các thành viên còn lại trong gia đình:
“Buồn, lặng lẽ, hơi ít nhiều hoang dại,
            Ngơ ngác nhìn như con nai sợ hãi,
            Tanhia như cô bé người ngoài,
            Trong nhà mình mà trông chẳng giống ai.
            Nàng không biết chiều cha hay nũng mẹ,
            Không thích ai mơn trớn, nghịch bao giờ,
            Ngay từ nhỏ nàng không chơi vói trẻ.
            Không chạy đùa, không vui nghịch ngây thơ,
            Mà chỉ thích suốt ngày bên cửa sổ
            Ngồi im lặng bâng quơ nhìn đâu đó…
            …Nàng xa lạ với những trò ngỗ nghịch
            Của lứa tuổi. đêm mùa đông nàng thích
            Lắng tai nghe những câu chuyện hãi hùng.
            Đến rợn người… rồi suy nghĩ mông lung”
Tuy vậy, Tanhia cũng như bao người con gái khác. Nàng cũng biết yêu. Nàng yêu Ônhêgin. Với thủ pháp nghệ thuật kể chuyện bằng thơ, tác giả Puskin đã cho người đọc thấy tình yêu của Tanhia với Ônhêgin như thế nào? Lần đầu gặp mặt, Tanhia đã yêu Ônhêgin. Những ngày sau đó, nàng sống trong nhớ nhung Ônhêgin. Nàng Tanhia “Vì đang yêu, Tanhia một chỗ/ Không ngồi yên, thơ thẩn dạo quanh nhà/ Nàng tư lự, khi nhìn quanh đâu đó/ Khi cuối đầu, chân chẳng bước đi xa/ Tim đập mạnh, ngực phập phồng xúc động,/ Và đôi má bỗng bất ngờ rực nóng,/ Mắt long lanh đầy e lệ, bồi hồi, Hơi thở nàng như đã tắt trên môi./ Ðêm nhẹ đến, vầng trăng lên nhợt nhạt,/ Kéo lên theo một vệt sáng chân trời,/ Chim họa mi trong vưườn cây bỗng hát/ Khúc tâm tình; sương bạc trắng khắp nơi./ Trong bóng tối Tanhia không ngủ,/ Nàng lặng lẽ đến ngồi bên bà vú.”
Trong bức thư gửi cho Ônhêgin, nàng cũng khẳng định mình yêu Ônhêgin nhiều đến dường nào. Nàng hình dung ra viễn cảnh nàng với Ônhêgin thành vợ thành chồng “Một người chồng mà em sẽ thương yêu./ Em cũng sẽ là mẹ hiền đức hạnh...”. Trong tim nàng, chỉ có hình bóng của Ônhêgin:
“ Yêu người khác? ồ không, không, không thể!
            Không cho ai em trao trái tim mình!
            Hoặc số phận đã từ lâu định thế,
            Hoặc ý trời: Em chỉ thuộc về anh!
            Cuộc đời em được sinh ra cũng chỉ
            Cốt gặp anh, và em biết thánh thần
            Ðã gửi anh cho em yêu, em quí.
            Anh là người bảo trợ lẫn ân nhân
            Của suốt cả đời em. Trong giấc ngủ
            Em thấy anh thường đến, đẹp, vô hình.
            Ðôi mắt anh đầy dịu dàng quyến rũ.
            Tự lâu rồi em nghe rõ lời anh...”
Để rồi, khi bị Ônhêgin từ chối, Tanhia “thất tình”. Nàng không căm ghét Ônhêgin, nàng không muốn trả đũa Ônhêgin vì chàng đã không chấp nhận tình yêu chân thành của mình. Nàng chỉ âu sầu, lòng đau tê tái, đêm chập chờn không ngủ; tất cả những cái như niềm vui, sức khoẻ, sự bình yên, thư thái trong lòng của nàng đều bị xáo trộn. Nàng lặng lẽ.
“ Ôi tội nghiệp, Tanhia tội nghiệp,
Nàng xanh xao, luôn im lặng, vật vờ
            Luôn lãnh đạm như người đang ngủ thiếp,
            Trái tim nàng như hóa đá, thờ ơ.”
Xuyên suốt truyện thơ Ônhêgin, Puskin đã miêu tả thành công tính cách, hành động của từng nhân vật cũng như diễn biến tình hình câu truyện xảy ra. Với Tanhia, ông không chỉ miêu tả nàng, diễn tiến từng hành động của nàng mà còn để hẳn một chương để nói về nàng (chương 5).
Tanhia, theo như Puskin miêu tả, nàng là người yêu mùa đông của nước Nga.
“Là một người rất Nga, thưa bạn đọc,
            Tanhia không biết tự bao giờ
            Ðã say mê mùa đông Nga tàn khốc
            Với âm thầm vẻ đẹp lạnh, nên thơ.
            Yêu những sáng mặt trời lên lặng gió
            Sương và tuyết xung quanh như nhuốm đỏ,
            Yêu cỗ xe tam mã phóng trên đồng,
            Yêu buổi chiều tĩnh mịch cảnh mùa đông
            Và những tối khi trong nhà có lễ
            Cổ truyền xưa lễ rửa tội người hầu
            Ngồi xúm xít bên các cô gái trẻ
            Con chủ nhà, cùng bói số rất lâu.
            Họ tiên đoán là các cô sẽ lấy
            Chồng sĩ quan, và năm nào cũng vậy.”
Nhưng đồng thời lại là cô gái hay bói toán, nằm mộng như những cô gái đồng quê Nga
“Tanhia thường hay tin lời sấm
            Mà dân gian đã đồn đại bao đời.
            Tin mộng mị, tin trăng sao lẩm cẩm,
            Tin con bài, tin đủ chuyện khắp nơi.
            Các đồ vật rất bình thường, vô cớ
            Cũng làm nàng đôi khi buồn, lo sợ,
            Như chúng đang báo trước biết bao điều
            Rất hãi hùng về cuộc sống, tình yêu.
            Khi nàng thấy con mèo đen uể oải
            Ðang liếm lông, ngồi bên bếp gầm gừ,
            Nàng tin chắc sẽ có người sắp lại...
            Nhưng lúc này, đang thơ thẫn trầm tư
            Nàng bỗng thấy vầng trăng non nhợt nhạt
            Chếch sau nhà, trên trời cao bát ngát.”
Ônga xa nhà, đi lấy chồng, theo chồng. Tanhia buồn. Một nỗi buồn chia ly. Ở đây, tác giả Puskin đã dùng những vần thơ của mình khắc hoạ khung cảnh. Hình ảnh chiếc xe ngựa dần xa dần xa, qua màn sương bạc tựa hồ như Tanhia đang dần dần đánh mất một cái gì đó, thiêng liêng, đầy kỷ niệm.
Đứng nhìn theo, Tanhia lòng buồn:
“Một hồi lâu, qua màn sương bàng bạc,
            Tanhia nhìn xe ngựa xa dần,
            Rồi còn lại một mình buồn man mác.
             I bây giờ người em gái yêu thân,
            Người bạn quí bao buồn vui chia sẻ,
            Con chim câu luôn líu lo, tươi trẻ,
            Hai chị em cùng chung sống một nhà,
            Ðã bị đời vĩnh viễn tách ra xa.
            Không mục đích, nàng thẫn thờ bước khẽ
            Trong vườn cây luôn hoang vắng, chán chường.
            Không ở đâu và không gì có thể
            Giúp lòng nàng khuây khỏa nỗi buồn thương.
            Nàng cố giữ để không trào nước mắt,
            Tim như vỡ thành muôn phần, đau thắt.”
Cũng chính vì điều đó, mà bất chợt, nàng nhớ, nhớ Ônhêgin, tình yêu của nàng
“ Với một nỗi cô đơn, buồn da diết,
            Trái tim yêu lại cháy đỏ trong lòng,
            Nàng lại nhớ Ônhêgin mãnh liệt,
            Nhớ những chiều ngong ngóng đợi...”
Nhưng ngay sau đó, nàng lại quyết tâm, mình phải quên. Quên một người tên là Ônhêgin
“Nhưng không
            Nàng phải quên, phải quên đi mãi mãi
            Kẻ tàn ác giết người yêu em gái.
            Lenxki ôi đã chết, bây giờ
            Chẳng người nào còn nhớ đến nhà thơ.”
Rồi Tanhia cũng đi lấy chồng.
Trong một lần “hữu duyên”, Ônhêgin gặp lại Tanhia (lúc này nàng đã có chồng). Lòng cả hai chợt bồi hồi. Nhưng không, Tanhia không hế thay đổi. Nàng chẳng nhiệt tình cũng không thờ ơ. Giọng nói của nàng vẫn nhún nhường, khe khẽ.
Lúc này, Ônhêgin lại thấy mình yêu, yêu Tanhia da diết. Chàng viết thư cho Tanhia nhưng nàng không hồi đáp.
Dù thế nào đi nữa, dù còn yêu Ônhêgin nhưng Tanhia vẫn một mực nhất quyết chung thuỷ với chồng.
“Tôi yêu anh, vẫn yêu như ngày nọ
            (Chẳng việc gì phải che giấu). Nhưng nay
            Tôi đã được gả chồng, tuy khác ý,
            Nhưng là vợ, suốt đời tôi chung thủy".
Nếu ở nhân vật Lenxki (Lensky) có nét giống tác giả Puskinv(đấu súng vì ghen, chết vì đấu súng) thì Tanhia (Tachiana) là ước mơ của ông về vẻ đẹp tâm hồn, là lí tưởng của ông về con người. Chính điều này thể hiện bản chất của người phụ nữ Nga, tâm hồn Nga chân chính và sâu sắc.
Như vậy, có thể nói, với nhân vật Tanhia (Tachiana), với thủ pháp xây dựng nhân vật bằng thơ, Puskin không những đã tạo nên hình ảnh của một Tanhia đầy cảm xúc, khác biệt với các tuyến nhân vật khác mà còn là một người con gái Nga chung thuỷ, son sắt. Cho dù nàng vẫn yêu Ônhêgin nhiều như lúc trước, nàng lấy một người chồng khác ý; song vì tình nghĩa vợ chồng, nàng không cho phép mình ngoại tình, dù chỉ trong tư tưởng.

3.2. Giá trị của tác phẩm
Tác phẩm được xây dựng trên nền thơ dạng khổ gồm 14 câu, gợi lên một bài thơ sonnet, hai câu đầu nêu chủ đề của toàn khổ thơ, bốn câu cuối là những bất ngờ, dí dỏm. Trật từ vần theo kiểu ababeecciddiff.
Tiểu thuyết hiện thực Epghênhi Ônhêgin được miêu tả dựng trên bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt với các chi tiết tỉ mỉ, cụ thể chiếm phần lớn tác phẩm.
Như hoàn cảnh sống của nhân vật Ônhêgin trong khổ 3 của chương 1 có đoạn :
“Ông bố chàng vốn công tâm, trong sách
Đã về hưu, nay nợ ngập lút đầu,
Nhưng một năm đúng ba lần đãi khách ,
Và cuối cùng đã phá sản rất mau”
Về cách giáo dục mà Epghênhi Ônhêgin nhận rất hờ hợt, thứ gì cũng biết nhưng không sâu sắc. Tất cả chỉ để làm dáng, phù hợp với quý tộc.
“ Chỉ vì thương , không bắt cậu học nhiều
Không giáo huấn, không cho bài phức tạp
Học mà đùa, thật dễ chịu bao nhiều”
Ngoại hình, tính cách cho đến đời sống sinh hoạt, câu chuyện xây dựng theo kiểu sự kiện không đóng vai trò quan trọng. Như ở chương một, với những chi tiết chính xác, cụ thể giúp người đọc hình dung được thời thơ ấu, tuổi trưởng thành, nỗi buồn, tình trạng khủng hoảng của nhân vật.
“  Tóc cắt đúng mốt thời trang,rất thấp
Giống dandy từ Anh Quốc lần đầu
Lên vũ đài cuộc sống để vờn nhau
Về tiếng Pháp, chàng nói, nghe thông thạo
Mazurka nhảy khéo, lúc về
Chàng biết cách (điều này ai cũng bảo)
Cúi đầu chào rất khéo, chẳng người chê
Thế là đủ, giới thượng lưu quyết định
Ràng chàng đẹp, thông minh và dễ tính !”
Puskin xây dựng từ nhân vật đi từ quá trình hình thành và phát triển,có những nguyên nhân xác đáng, cắt nghiã mọi hành vi, có điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, về gia đình, địa vị xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, học vấn, giáo dục nhân vật được phát triển theo mạch chuyện hợp logic. Cảnh sinh hoạt xa hoa, phù phiếm các giới quý tộc thượng lưu, sớm tiệc tùng, tối vũ hội là hoàn cảnh để tạo nên tính cách tuy thông minh, sắc sảo nhưng buồn nản, chán chường như Ônhêgin.
“ Hỡi các bà giới thượng lưu, trước nhất
Ônhêgin sẽ xa lánh các bà.
Người ta thường nói giới thượng lưu dù thật
Nhưng hơi buồn, và điều đó không ngoa”
Những chi tiết nhỏ Puskin miêu tả đều khắc họa một tính cách nhân vật cũng như lối sống xa hoa, phù phiếm.Những chi tiết tỉ mỉ cụ thể về đời sống sinh hoạt là phương tiện để mô tả cụ thể lịch sử xã hội của đất nước. Ônhêgin sinh trưởng trong gia đình quý tộc, giới giai cấp quý tộc, trong thể giới của thói nô lệ khúm núm và hám danh, thế giới ấy khiến làm cho Ônhêgin buồn, chán, hoài nghi, lạnh lùng nhưng không hủy diệt được mầm móng tốt đẹp trong con người chàng.  Cuộc sống quý tộc tạo nên con người của nhân vật Ônhêgin, phù phiếm, trong phòng trà, rạp hát với mối tính chóng ván. Rồi thấy phiền muộn không hài lòng với cuộc sống của chính mình.
 Chuyện không có những xung đột kịch tính giữa các nhân vật mà chủ yếu là xung đột ở nội tâm như Ônhêgin, chàng vật lộn giữa cái tầm thường và cái cao thượng, trong việc ý thức được cuộc sống vô nghĩa của bản thân, nhưng lại bất lực và sống với nỗi bất hạnh đó. Câu chuyện mang một dấu ấn thời đại riêng của giai đoạn của một bộ phận tuổi trẻ sống hoang phí như thế.
Puskin xây dựng câu chuyện đối lập của Ônhêgin và Tanhia, nếu như  Ônhêgin lạnh lùng, dửng dưng, ích kỉ bao nhiêu thì cô nồng nhiệt, ấm áp và bao dung bấy nhiêu. Ônhêgin là con người không hành động trong khi Tanhia luôn sẵn sàng hành động để nắm bắt hạnh phúc. Tanhia tiêu biểu cho sức sống, cho niềm vui, cho sự quên mình vì tình yêu.
Vẻ bề ngoài của Tanhia hầu như không thay đổi, những chấn động về tình thần sau những sự kiện xảy ra với nàng, đặc biệt là việc Ônhêgin từ chối tình yêu của nàng là rất lớn. Nhưng sự kiện xảy ra với Tanhia không thay đổi nép sống bên ngoài của nàng, những đã làm nàng trưởng thành, chín chắn và khôn ngoan lên nhiều. Sự thay đổi phát triển trong tính cách của Tanhia là hợp logic. Đến lươt mình từ chối Ônhêgin, Tanhia đã tuyên bố : 
“ Tôi yêu anh vẫn yêu như ngày nọ
Chẳng việc gì phải che giấu nhưng nay
Tôi đã được gã chồng, tùy khác ý
Nhưng là vợ, suốt đời tôi chung thủy”
Cái kết mở cho câu chuyện tình nhân vật chồng của Tanhia bước vào và kết thúc như vậy gợi lên cho người đọc, liệu rằng tình yêu của Ônhêgin sẽ như thế nào đối với Tanhia? Cái kết chúng ta có thể thấy Ônhêgin đã trở thành người biết yêu, không còn hờ hợt, ích kỉ, lạnh lùng như đầu câu chuyện nữa . Từ đó làm cho người đọc có thể hình dung được sự xoay chuyển, biến đổi trong tính cách các nhân vật.

  
Kết luận
Epghênhi Ônhêgin là một tiểu thuyết bằng thơ thể hiện được toàn bộ một giai đoạn lịch sử rộng rãi và chân thực.
Đọc Epghênhi Ônhêgin ta không chỉ đọc thơ mà còn đọc được một thời kỳ của nước Nga. Ta thấy được lối sống, cách sống của những con người quí tộc, những người có học thức. Nhưng lại trở nên xa lạ với đời sống thực tại, họ hay chán chường, buồn bã. Và có những cư xử thiếu tinh tế để mất đi tình yêu, tình bạn.
Trong tác phẩm đó, thi sĩ của chúng ta đã khéo léo xây dựng các nhân vật với những quan điểm, suy nghĩ và tính cách khác nhau. Nhưng tụ lại là những người không giúp ích gì cho đất nước- hình tượng con người thừa. Có thể nói, phương pháp sáng tác tiểu thuyết bằng thơ của Puskin đã thể hiện được thực tế của đất nước Nga thời kỳ đó.
https://plus.google.com/b/103574681983750781006/collection/sl19DB
Evgeny Onegin của đại thi hào Puskin Evgeny Onegin của đại thi hào Puskin Reviewed by Unknown on 04:09 Rating: 5

1 comment:

Powered by Blogger.