Welcome To Blogger

Môtíp loạn luân và môtíp ngoại tình




Loại truyện này có xung đột chủ yếu giữa vợ và chồng trong gia đình. Xung đột ở đây nằm ở bình diện đạo đức giữa các thành viên trong gia đình và giữa họ với xã hội bên ngoài. Đặc biệt, qua hai truyện Churu Sự tích sấm, sét (420) và Sự tích loài lươn (411), ta thấy tác giả dân gian Churu đã khéo mượn chuyện giải thích sự tích, lai lịch sự vật (sấm sét, loài lươn) để nói chuyện người và phản ánh chuyện đời là một hình thức khá phổ biến trong phương thức sáng tác truyện cổ tích – giống với một số truyện Chăm và Việt như Sự tích chim hít cô, chim đa đa, chim cuốc, chim bìm bịp,… Sự tích con nhái, con sam, con dã tràng, con đĩa,….
Ít nhiều những truyện dưới hình thức này trong cổ tích đều có nội dung xã hội và tính chất ngụ ý. Đó cũng là chỗ khác nhau giữa những sự tích trong cổ tích về con người nói chung và những truyện giải thích nguồn gốc sự vật trong thần thoại suy nguyên và trong cổ tích về loài vật. Ở đây, chủ đề chính của hai truyện đề cập đến vấn đề hôn nhân và quan hệ vợ chồng: loạn luân do anh em ruột lấy nhầm nhau và ngoại tình. Đó là những đổ vỡ bước đầu trong đời sống vợ chồng khi thiết chế xã hội của người nguyên thủy đang chuyển dần từ quan hệ hôn nhân quần hôn sang quan hệ hôn nhân đối ngẫu. Dưới chế độ thị tộc mẫu hệ hôn nhân được tiến hành theo ý muốn của người phụ nữ. Quần hôn là tính chất hôn nhân ở thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ sơ kỳ. Dấu vết của quần hôn còn được bảo lưu ở tập tục: hôn nhân chị em vợ, hôn nhân anh em chồng, hôn nhân con cô con cậu, hôn nhân một vợ nhiều chồng. Về sau, hôn nhân đối ngẫu là kết quả của quá trình chuyển từ gia đình lớn mẫu hệ thời công xã thị tộc tan rã thành những gia đình nhỏ riêng lẻ mẫu hệ, chuyển từ hôn nhân nội tộc - quần hôn thành hôn nhân ngoại tộc - đối ngẫu. Ý nghĩa suy nguyên về loài vật, về các hiện tượng thiên nhiên ở đây được tác giả dân gian lồng vào đoạn kết của các cốt truyện nhằm lên tiếng răn đe người đời về tội loạn luân cùng bênh vực và bảo vệ cho chế độ quan hệ hôn nhân đối ngẫu, hôn nhân ngoại tộc đang bị vi phạm, bị phá vỡ lúc bấy giờ. Qua đó, khi đọc truyện Sự tích sấm, sét (420) - Churu ta có thể liên tưởng ngay đến loại đề tài – cốt truyện đá vọng phu  của tộc người Chăm. Điều khiến ta liên tưởng ở đây là sự giống nhau giữa hai truyện ở môtíp “anh em ruột lấy nhau vì nhầm lẫn” và môtíp “vết sẹo nhận biết”. Dù nguyên nhân gây ra vết sẹo trên đầu em gái trong hai câu chuyện có khác nhau: một bên vì “hữu ý” mà người anh đánh vào đầu em gái lúc giành bánh (Nai Krao Chao Phò (316)-Chăm), còn một bên là người anh “vô cớ” ném bát lên đầu em gái khi tính khí của anh tự nhiên thay đổi sau trận quyết đấu sống mái với trâu rừng (Sự tích sấm, sét (420)-Churu), thì cuối cùng đều dẫn đến môtíp “vắng mặt” của người em hay người anh. Sự xa cách nhau quá lâu đã khiến cho họ không còn nhận ra nhau nữa. Môtíp “vắng mặt” là nguyên nhân chính của những sai phạm về tội loạn luân của hai anh em về sau này khiến cho họ phải gánh chịu sự lên án của cộng đồng xã hội đương thời mà thần sét trong truyện Churu là đại diện trực tiếp lên án và đòi giết hai anh em. Sự giống nhau về môtíp anh em lấy nhầm nhau của hai tộc người Churu và Chăm mang tính chất đồng loại hình hơn là do vay mượn từ tiếp xúc giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, bao giờ trong cái giống nhau ta cũng có thể tìm thấy cái khác, cái riêng, cái sáng tạo của mỗi tộc người. Trong truyện Nai Krao Chao Phò (316)-Chăm, ngoài ý nghĩa đẹp đẽ nói lên sự yêu thương và lòng thủy chung của người vợ trẻ ngày ngày chờ đón chồng đến hóa đá thì dường như nó còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó như là hình phạt gián tiếp đối với tội loạn luân. Còn trong truyện Sự tích sấm, sét (420) ta thấy rõ sự lên án trực tiếp của xã hội thông qua nhân vật thần sét lúc đầu đã tỏ ra thật ác nghiệt - đòi nộp mạng người, nhưng nhờ tài mưu trí đấu lý thắng cuộc của người anh mà cuối cùng thần buộc phải tha mạng chết cho hai anh em “vì vô tình mà phạm tội lấy nhau”. Sau đó, thần còn dạy cho họ biết cách thức tránh sự giận dữ của mình: khi nghe thấy tiếng sấm thì đó là do thần giận ít đối với con người, còn khi nghe thấy tiếng sét thì đó là thần nổi cơn thịnh nộ do loài người gây ra lầm lỗi quá nặng.
Thông thường, luật tục các tộc người đặc biệt nghiêm cấm tội ngoại tình, càng về sau khuyến khích mọi người thực thi chế độ quan hệ hôn nhân đối ngẫu xưa nay phải là chế độ một vợ một chồng. Chính vì vậy mà trong truyện Sự tích loài lươn (411), khi biết được vợ ngoại tình, người chồng đã tìm mọi cách để giết tình nhân của ả ta là “chàng lươn”. Đến khi thấy ả ta trắng trợn lang chạ với loài lươn, người chồng khôn khéo bầy mưu lừa cho vợ đi xa rồi cải trang ra ruộng dụ được lươn thần lên để giết. Cô vợ đi xa về tìm lươn không thấy tức giận đập phá nhà cửa khiến bị người chồng lấy dao bổ đôi vợ từ trên xuống, từ trong bụng ả lươn con bò ra nhiều vô kể và sinh sôi nảy nở khắp nơi. Truyện này giống với truyện Con rắn Kêng Kang của người Campuchia, có thể được xem là một dị bản tuy có cốt truyện ngắn gọn hơn nhưng khác với truyện Campuchia là không có nhân vật thứ tư cô con gái của hai vợ chồng và có thêm hai môtíp: môtíp mẹo lừa và môtíp cải trang.


(Cha1) Nai Krao Chao Phò (A1,407): Thuộc loại truyện “đá Vọng phu” giống hệt truyện “Sự tích đá Vọng phu” của tộc người Việt, chỉ có khác người anh không phải làm văng dao vào đầu em gái trong khi chặt mía mà là hữu ý đánh vào đầu em khi giành nhau miếng bánh; và hai vợ chồng là dân buôn không phải dân chài. Núi đá Vọng phu này ở bờ biển Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận.

(Chu31) Sự tích loài lươn (AM,137): Vợ chồng không con. Vợ đi thăm lúa yêu chàng trai đẹp là lươn thần biến hình. Thấy vợ thường kiếm cớ ra đồng, chồng sinh nghi đi theo rình biết chuyện.. Dụ vợ đi xa, chồng cải trang đến dụ lươn lên bờ giết chết. Ra đồng tìm lươn không thấy, vợ về nhà đập phá bị chồng chém, lươn bò ra từ bụng vợ nhiều vô kể.

(Chu47) Sự tích sấm, sét (AM,132): Anh trai vô cớ cáu gắt dùng bát cơm đập vào đầu em gái khiến cô buồn bỏ đi xa. Nhân cậu cúng lễ, cả hai cùng về dự rồi lấy nhau mà không biết.  Anh thấy vết sẹo trên đầu vợ-em gái mà vẫn chung sống khiến thần Sét tức giận đòi nộp mạng. Anh lừa ông bà thần ăn thịt con mình rồi đấu lý thắng nên thoát tội chết. Thần chỉ cho anh cách đoán biết mức độ trời giận và trừng phạt con người qua tiếng sấm và tia sét.


Môtíp loạn luân và môtíp ngoại tình Môtíp loạn luân và môtíp ngoại tình Reviewed by Unknown on 05:57 Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.